Một tin vui đối với nông nghiệp Việt Nam là giá trị xuất khẩu rau quả năm 2017 đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD trong khi đó phần lớn việc canh tác nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn ở mức rất thô sơ. Nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai, TP. HCM, Hà Nam… đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp CNC có giá trị kinh tế cao. Tuy vậy, so với các nước tiên tiến khu vực châu Á và thế giới thì trình độ công nghệ áp dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam còn thấp và chưa có hệ thống. Một số công nghệ cao phải nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài với chi phí cao, nhiều công nghệ áp dụng chưa thực sự phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái của Việt Nam.

Do vậy, một số doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực vươn lên để tự làm chủ công nghệ, từ đó mở ra khả năng nhân rộng mô hình nông nghiệp CNC đến từng hộ nông dân cá thể. Điển hình trong số đó có thể kể đến Delco Farm.

Ghé thăm trang trại nông nghiệp CNC do người Việt tự phát triển công nghệ

Có diện tích 6 ha, nằm tại Thuận Thành – Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 1 giờ chạy xe, trang trại Delco Farm để lại ấn tượng đầu tiên là sự ngăn nắp và sạch sẽ. Dự án hiện đã xong giai đoạn 1 với giá trị đầu tư 35 tỷ đồng, bao gồm:

  • 2 nhà gà đẻ lấy trứng (15.000 con)
  • 1 vườn rau thủy canh 1.000m2
  • 2 vườn dưa lưới KimoJi, mỗi vườn 1.700m2
  • Ao thả cá
  • Thiết bị điều khiển, giám sát và cơ sở hạ tầng khác

Ở Delco Farm, điều đặc biệt là 100% việc thiết kế, xây dựng trang trại, lắp đặt, phát triển phần mềm giám sát, điều khiển tự động và “Internet của vạn vật” (IoT) đều do Delco và các đối tác Việt Nam thực hiện. Điều này giúp cho chi phí thấp, thời gian triển khai nhanh và khả năng mở rộng mô hình dễ dàng.

Đón chúng tôi vào một chiều đông giữa tháng 12, anh Lê Khánh Mạnh – Tổng Giám đốc của Delco Farm – đã chia sẻ những kinh nghiệm cùng trăn trở về việc phát triển mô hình mới này tại Việt Nam.

PV: Lý do nào khiến anh quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC?

Anh Lê Khánh Mạnh: Mình đánh giá Việt Nam là một nước có tiềm năng rất lớn trong phát triển nông nghiệp CNC. Trong khi đó, nhiều mảnh đất bị nông dân bỏ không canh tác. Nông dân không muốn để đất không, nhưng không biết làm gì, không học được ở đâu, không có ai hướng dẫn cho họ. Chính vì vậy, mình quyết định làm nông nghiệp CNC trước để bà con thấy rằng khi thêm công nghệ vào thì sản xuất nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn.

Mình cũng muốn tạo cảm hứng và động viên các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam khác mạnh dạn đầu tư công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất và chiếm lĩnh những thị trường mới.

Một lý do khác để mình quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC là nếu không có doanh nghiệp Việt Nam nào làm tốt trong lĩnh vực này, nông nghiệp CNC Việt Nam rất dễ bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh thị trường và thao túng giá sản phẩm.

PV: Delco Farm đã đạt được những thành công gì về việc ứng dụng công nghệ cao và IoT?

Anh Lê Khánh Mạnh: Các công ty công nghệ của Israel thường không bán rời các thiết bị cảm biến, họ luôn bán cả một giải pháp tổng thể bao gồm cảm biến (sensor), thiết bị kết nối và phần mềm điều khiển, dẫn đến chi phí rất cao trong khi hạn chế tính linh hoạt và mở rộng.

Tuy nhiên, mình tin rằng nông nghiệp CNC là thứ mà người Việt Nam có thể làm chủ được. Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp công nghệ đã phát triển các giải pháp phần mềm trong lĩnh vực này. Chúng ta có thể chỉ mua những sensor đơn lẻ, rồi tự nghiên cứu và tích hợp chúng với các phần mềm Việt Nam. Điều này giúp cho giá thành đầu tư ban đầu giảm xuống nhiều lần, đồng thời có thể chủ động mở rộng, nâng cấp hoặc thay đổi, tránh lệ thuộc vào phía nước ngoài.

Toàn bộ trang trại của mình, bao gồm thiết kế, xây dựng, lắp đặt, tích hợp hệ thống, phát triển phần mềm đều do Delco và các đối tác Việt Nam như VNPT Technology và VieLina thực hiện.

Dây chuyền gà đẻ trứng tự động hoàn toàn theo mô hình của Delco Farm đang được chuyển giao cho một số công ty khác ở Việt Nam với giá thành thấp hơn 4-5 lần so với nước ngoài về mặt công nghệ, phần mềm và kết nối IoT.

PV: Đối với bà con nông dân, anh có chia sẻ hoặc mong ước gì?

Anh Lê Khánh Mạnh: Các hộ nông dân hiện nay quả thực rất khó khăn. Nhưng nếu biết đầu tư công nghệ để trồng các loại nông sản sạch thì sẽ rất hiệu quả. Mình hy vọng có thể giúp bà con nhân rộng mô hình nông nghiệp CNC của mình tại mỗi hộ với các mô-đun phù hợp.

Ví dụ, mình đang nghiên cứu để sản xuất các nhà màn có tuổi thọ 5-7 năm với chi phí thấp, sản xuất các khay trồng rau thủy canh bằng tôn để có thể dễ dàng làm trên diện rộng. Mình cũng đang nghiên cứu sản xuất loại phân bón vi sinh không đóng bao từ phân gà của trang trại với giá thấp nhất mà bà con nông dân có thể chấp nhận được.

Nếu mỗi hộ dân chỉ có 1 sào ruộng, mình khuyên 3 hộ có thể gộp đất lại với nhau, đào ao lấy đất san phẳng mặt ruộng và nuôi cá, đầu tư các nông cụ cơ khí và phân bón có giá thành rẻ mà mình sẽ sản xuất để trồng nông sản sạch, sử dụng mô-đun giống như nhà chống lũ giá rẻ để làm phòng điều khiển. Mỗi hộ dân chỉ cần đầu tư một thiết bị kết nối mạng, mình sẽ giúp bà con nông dân quản trị và bao tiêu sản phẩm và dần chuyển giao toàn bộ công nghệ. Mình cũng sẽ cấp vốn hoặc hướng dẫn cách vay vốn nếu bà con cần.

Nhiều vùng quê nghèo hiện nay chỉ còn lại người già và trẻ em vì bố mẹ các cháu đã phải bỏ nghề nông ra ngoài kiếm sống. Nếu ứng dụng mô hình này, người nông dân sẽ có thể quay lại với nghề nông trên chính mảnh đất của mình.

Anh Lê Khánh Mạnh – Tổng giám đốc Delco Farm đang giải thích về quy trình chăm sóc cây dưa lưới.

PV: Đối với các doanh nghiệp khác và Chính phủ, anh có chia sẻ hoặc mong ước gì?

Anh Lê Khánh Mạnh: Mình khuyên các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, hãy coi trọng yếu tố công nghệ ngang bằng với yếu tố nông nghiệp. Về công nghệ, mình khuyên nên sử dụng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vì tính hiệu quả trong việc triển khai các giải pháp Việt Nam là rất tốt.

Mong rằng Chính phủ sẽ có chính sách tốt về thị trường đầu ra cho nông sản sạch như phát triển các chợ đầu mối rau củ quả sạch, hạn chế phát triển các chợ đầu mối rau củ quả không có nguồn gốc. Nếu triển khai được các chợ đầu mối rau củ quả sạch hiệu quả, mình nghĩ rằng chỉ vài năm nữa, ai cũng có thể tiếp cận rau sạch để sử dụng.

Mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn và hướng dẫn miễn phí trong khả năng của mình với các doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư nông nghiệp CNC vì lợi ích nông nghiệp.

Với mong muốn như vậy, Delco Farm đã xây dựng một cơ sở giáo dục miễn phí rộng 2.500m2 trong khuôn viên của trang trại. Quý độc giả quan tâm đến mô hình này có thể tìm hiểu thêm tại website: delcoagri.com

 

Nguồn: Trithuc.vn